Giới thiệu du lịch Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng nằm bên dòng sông Hàn, phía Đông vươn ra biển Đông với những bãi biển dài tăm tắp và bán đảo Sơn Trà còn rất hoang sơ; phía Bắc và phía Tây được bao bọc bởi đèo núi cao. Đèo Hải Vân cheo leo hiểm trở là ranh giới tự nhiên giữa thành phố và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên cho Đà Nẵng, thành phố còn được bao bọc bởi 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn chút nữa là di sản văn hóa thế giới: Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng. Du lịch Đà Nẵng cũng vì thế là một trong những ngành tiềm năng của thành phố này.
Di chuyển: phương tiện, di chuyển khi du lịch Đà Nẵng
Xe lửa: Từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đều có tuyến xe lửa đến Đà Nẵng (tuyến Bắc – Nam), giá vé dao động từ 300.000đ đến 1.200.000đ tùy loại tàu và loại ghế. Mất từ 14 đến 20 tiếng để đi từ hai thành phố này đến Đà Nẵng bằng xe lửa.
Máy bay: từ Hà Nội đến Đà Nẵng, giá vé dao động từ 600.000đ đến 2.200.000đ, tùy hãng hàng không. Mất 1 tiếng 30 phút để đến Đà Nẵng. Tương tự đối với tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng.
Xe khách: tốn khoảng 400.000đ – 500.000đ. Xe Hoàng Long, Hlink, Mai Linh, Thuận Thảo. Thời gian 18 đến 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.
Nội thành Đà Nẵng:
Xe máy: tiện lợi và dễ dàng khám phá các điểm tham quan của du lịch Đà Nẵng. Có thể thuê tại khách sạn hay các điểm thuê xe máy, giá từ 60.000đ – 150.000đ/xe/ngày.
Xe buýt: có xe buýt liên tỉnh chạy đến Huế (3 tiếng), và Hội An (1 tiếng)
Taxi: các thương hiệu taxi Sông Hàn, Tiên Sa, Mai Linh, Vinasun Green
Tham quan: Di tích, bãi biển, điểm tham quan của du lịch Đà Nẵng
KHU TRUNG TÂM: QUẬN THANH KHÊ VÀ HẢI CHÂU
Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chămpa (thường gọi là Cổ viện Chàm): bảo tàng duy nhất của thế giới về nền văn hóa Chăm, lưu giữ những di vật của Vương quốc Chăm-pa xưa.
Đình làng Hải Châu: Đình cổ nhất tại Đà Nẵng
Nghĩa Trủng Hòa Vang: quần thể các di tích Phế tích tháp Hóa Quê, Miếu Bà, giếng cổ Chăm, phế tích tháng Chăm và Nhà thờ Tiền hiền làng Hóa Quê. Đây là điểm tham quan nổi bật của du lịch Đà Nẵng.
Cầu Sông Hàn: là cây cầu quay duy nhất tại Việt Nam hiện nay, biểu tượng của du lịch Đà Nẵng. Hàng ngày, phần giữa cầu sẽ quay 90 độ quanh trục vào lúc 0h30, mở đường cho tàu lớn qua, và quay trở lại như cũ vào lúc 3h30.
Cầu Rồng: cầu mới khánh thành năm 2013, nối thẳng trục đường từ sân bay Đà Nẵng ra các bãi biển Mỹ Khê và Non Nước. “Con rồng” trên cầu có khả năng phun lửa và phun nước như thật vào lúc 21h các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.
Cầu Rồng Đà Nẵng
Chợ Cồn: là khu mua bán lớn nhất TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Lượng khách đến với chợ Cồn hiện nay không chỉ đơn thuần để mua sắm mà đây còn là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng.
Vị trí: Chợ Cồn thuộc phường Hải Châu II, quận Hải Châu, nằm ở ngã tư đường Hùng Vương – Ông Ích Khiêm.
KHU BÁN ĐẢO SƠN TRÀ / NÚI KHỈ:
Chùa Linh Ứng: Chùa Linh Ứng Sơn Trà hay còn gọi là chùa Linh Ứng Bãi Bụt (phân biệt với chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn và chùa Linh Ứng Bà Nà) là ngôi chùa lớn nhất thành phố Đà Nẵng cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật.
Suối Tiên và suối Đá: hai con suối đẹp hoang sơ nằm ở núi Sơn Trà, là những địa điểm dừng chân quen thuộc trong lịch trình các tour du lịch Đà Nẵng đi bán đảo Sơn Trà.
Bãi Bụt (Vịnh Bụt): Nằm ẩn mình trong một eo biển rất đẹp, bãi Bụt là nơi giao hòa giữa biển cả với núi rừng.
Bãi Bắc: là điểm đến mới phát triển của du lịch Đà Nẵng, nằm trong vịnh biển phía bắc bán đảo Sơn Trà.
CÁC BÃI BIỂN BỜ ĐÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Bãi biển Mỹ Khê: Bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Bãi biển Phạm Văn Đồng: Đây là bãi tắm công cộng được xây dựng với kinh phí 12 tỉ đồng, là địa điểm thu hút cư dân địa phương và khách du lịch khắp nơi. Vị trí: Thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, tại công viên biển Đông
Bãi biển Bắc Mỹ An: là một bãi tắm ở phường Bắc Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Cát trắng mịn và nước trong xanh với nhiệt độ ít chênh lệch quanh năm là ưu điểm của bãi tắm này.
KHU NGŨ HÀNH SƠN
Chùa Tam Thai: nằm ở phía tây ngọn Thủy Sơn, một trong năm ngọn núi nổi tiếng của Ngũ Hành Sơn.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước: là nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Vị trí: đá mỹ nghệ Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Bãi tắm Non nước: dài 5km có khu du lịch với đồi thông thoáng mát dưới Ngũ Hành Sơn. Bãi tắm cát trắng mịn, có độ dốc thoai thoải, sóng êm. Nước biển không bị ô nhiễm, trong sạch, cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với du lịch Đà Nẵng.
KHU XA TRUNG TÂM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Bà Nà – Núi Chúa: Là một dãy núi thuộc huyện Hòa Vang cách Đà Nẵng 40 km về phía Tây Nam. Ở Bà Nà, du khách sẽ cảm nhận được bốn mùa riêng biệt trong một ngày: sáng – xuân, trưa – hạ, chiều – thu, tối – đông. Đây là điểm đến nổi tiếng của du lịch Đà Nẵng.
Trên đỉnh Bà Nà
Đèo Hải Vân: Là nơi dãy Trường Sơn nhô ra biển. Cheo leo và hiểm trở, đèo Hải Vân là ranh giới giữa hai miền Nam – Bắc.
Làng chiếu Cẩm Nê: Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía Tây Nam, làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống, từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn.
Làng cổ Túy Loan: nằm về hướng Tây Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 15km. Làng cổ Túy Loan đã có trên 500 tuổi. Đến làng cổ Túy Loan, du khách không nên bỏ lỡ dịp được nếm thử món đặc sản bánh tráng và Mỳ Quảng nức tiếng xa gần của du lịch Đà Nẵng.
Rạn Nam Ô: Cách trung tâm làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng – nằm giữa Đà Nẵng và đèo Hải Vân) khoảng 2km về hướng Đông Nam có một dải đá ngầm, ngư dân trong vùng gọi là rạn Nam Ô. Rạn Nam Ô có nhiều rong tảo nên là nơi trú ngụ của nhiều loài cá và hải sản quý.
Ăn: Quán ăn, ăn vặt, đặc sản của du lịch Đà Nẵng
Đà Nẵng có hai chợ lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là chợ Hàn và chợ Cồn; cùng những siêu thị lớn mới mở trong vòng vài năm trở lại đây như siêu thị Đà Nẵng, siêu thị Metro, đại siêu thị BigC, siêu thị Intimex, siêu thị Rosa Bài Thơ, siêu thị Nhật Linh, siêu thị Đại Dương… Đây là những trung tâm thương mại chủ yếu của Đà Nẵng.
Đà Nẵng có nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo, thịt bê thui, bún chả cá, bún mắm, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô.. có thể mua về làm quà biếu.
MÓN NGON ĐÀ NẴNG
1. Mì Quảng
Mì Quảng bán buổi sáng tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 13.000 – 25.000 đồng/tô, bánh tráng bán kèm 3.000 đồng/cái. Mì Quảng Hải Phòng; Mì Quảng bà Vị; Giá tham khảo: 20.000 – 30.000 VND/tô
Mì Quảng
2. Gỏi cá Nam Ô
Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.
3. Bún chả cá
Quán trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai) bán cả ngày từ 7h – 21h; quán bán suốt đêm trên đường Hùng Vương; quán lại chỉ bán buổi sáng từ 6h – 10h ở đường Trần Cao Vân (đối diện chợ Tam Tòa). Giá từ 15.000 đồng/tô. Bún chả cá gia truyền Nguyễn Chí Thanh – quận Hải Châu. Giá: 20 nghìn/tô bình thường và 25 nghìn/tô đặc biệt; thời gian phục vụ từ 6h – 22h, giờ cao điểm là 7h – 9h sáng và 17h – 20h tối.
4. Bánh tráng thịt heo
Để tròn vị, bạn nên chọn quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… với giá khoảng từ 30.000 – 80.000 đồng. Bánh tráng cuốn thịt heo quán Mậu, bánh tráng Trần.
5. Bánh xèo
Giá bành xèo từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải Phòng… Bánh xèo bà Dưỡng phố Hoàng Diệu. Chú ý: có một số quán khác cũng mở ra ở trước đó nên bạn chú ý biển tên để vào cho đúng nhé.
6. Bánh bèo
Không kể đến những gành hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.
7. Bê thui Cầu Mống
Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15km. Ngoài ra còn có Bê thui Cầu Mống bà Ngọc.
8. Chè xoa xoa hạt lựu
Có nhiều quán xoa xoa hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly.
9. Mít trộn
Ngon nhất là trên đường Ông Ích Đường (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 10.000 đồng/ đĩa mít.
10. Bánh tráng kẹp
Báng tráng có giá bán từ 8.000đ/1 dĩa trở lên. Ngon nhất là ở ngõ gần khách sạn Thăng Long, đường Điện Biên Phủ và quán bánh tráng tương, báng tráng đập Bà Tứ: 354 Lê Duẩn; giá 3.000 – 5.000 VND/cái.
11. Kem xôi
Giá khoảng từ 7.000đ- 12.000đ/1 ly ở đường Ngô Sĩ Liên, Hòa Khánh.
12. Tàu hũ cocktail
Bạn có thể ghé đường Nguyễn Văn Linh để thưởng thức món tàu hũ ngon với giá từ 14.000đ/1 đĩa.
13. Sữa chua muối và mít lạnh
Sữa chua muối bán nhiều ở Quận 3, gần cầu Nguyễn Văn Trỗi với giá siêu rẻ chỉ 10.000/ khay. Mỗi khay gồm 10 hũ. Ngoài sữa chua thì thì những quán này còn bán mít ướp lạnh rất ngon với giá 5000/ bao.
14. Ốc hút
Ốc hút
Giá một đĩa ốc hút trung bình từ 20.000đ trở lên, với các loại ốc ngon như ốc đá, ốc bưu… thì giá sẽ nhỉnh hơn một chút. Ở Đà Nẵng có rất nhiều quán ốc nhưng được nhiều người khen nhất phải kể đến quán ốc trên đường Lê Duẩn.